Thí sinh đặt câu hỏi với các bạn sinh viên ĐH Ngoại thương về cách ôn thi hiệu quả
Lên kế hoạch chi tiết
Từng là thủ Khoa Toán sinh viên toàn quốc 2012, Huy chương Vàng Toán Sinh viên toàn quốc 2 năm liền, đồng thời là tác giả rất nhiều cuốn sách chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi Toán... chia sẻ với các thí sinh, thầy giáo Đặng Thành Nam cho biết, theo cấu trúc đề thi THPT 2016 thì đề thi môn toán gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% câu hỏi khó dần. Và đề thi sẽ sắp xếp từ câu dễ tới câu khó.
Vậy nên các thí sinh cần ôn tập một cách có hệ thống chi tiết từ dễ đến khó. Các bạn đạt 6 rồi thì cố lên mức 8, 8,5 điểm. Với những câu hỏi khó thì phải có cách tiếp cận đơn giản, tiếp cận phần dễ trước để lấy niềm tin. Quan trọng nhất là số điểm còn lại phải làm thế nào. Với điểm cho bài khó, các bạn phải có cả quá trình học và luyện chứ không chỉ 4 tháng cuối cùng mà có được, trừ khi bạn rất giỏi.
Tuy nhiên, để đạt điểm trung bình trong bài thi, cách ôn tập nhanh nhất hiện nay là các em phải đặt kế hoạch cụ thể trong vòng 1 tháng ôn tập những phần nào, kiến thức ra sao như hàm số, khảo sát… các em cần gạch đầu dòng ra từng phần.
Với phần nâng cao với mức 7 - 8 điểm, các em cần học tổ hợp xác xuất, phương trình, bất phương trình vô tỷ, hệ phương trình….
Để đạt điểm giỏi với mức 9, 10 điểm, thì cần phải nắm được tư duy, tư tưởng của bài, sau đó là luyện kĩ năng. Có nhiều tài liệu để tiếp cận phương pháp này như sách luyện đề, tài liệu trên mạng.
Nhưng khi học cần có hệ thống tư tưởng tiếp cận, câu càng khó, tiếp cận tư tưởng càng đơn giản. Ví dụ: Bất đẳng thức, hầu hết học sinh bỏ qua, không đọc. Một số học sinh học và xác định khi đọc đề xong là bỏ luôn câu đó, vì chưa có hướng tiếp cận nào cho nó. Khi học, học từ cái dễ của câu khó trước, sau đó tiếp cận dần dần. Làm chủ phần dễ trước, dần sẽ làm chủ được phần khó.
Khi các em dã hệ thống được kiến thức rồi nên đi thi thử tại trường 2 – 3 lần, không chỉ giúp tâm lý thoải mái mà còn rà soát lại lỗ hổng kiến thức.
Nên thư giãn trước thời gian thi
Tại buổi giao lưu, chia sẻ với các thí sinh dự thi năm 2016, sinh viên Nguyễn Hữu Bảo Minh, khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - ĐH Ngoại thương cho biết, trong lúc ôn luyện, nếu các bạn thấy có gì không hiểu thì mang đến hỏi các bạn trong lớp, cùng các bạn thảo luận. Để nhớ lâu kiến thức trong lúc ôn tập, các bạn nên “chém gió” kiến thức bằng cách quy ra những câu thơ, văn vần hài hước một chút. Cách này cũng giúp dễ nhớ và nhớ lâu.
Sinh viên Minh chia sẻ: “Trong những ngày ôn thi, mình luôn có những cuốn sách gối đầu giường. Những cuốn sách đó không phải cao xa gì mà chính là sách giáo khoa. Kiến thức lý thuyết có trong đề thi chỉ từ đó mà ra. Mà chắc lý thuyết, các bạn đã cầm chắc điểm 6 - 7 rồi.
Từ kinh nghiệm thực tế, mình thấy nhiều câu hỏi trong đề thi hay ra vào phần chữ nhỏ, phần đọc hiểu, đọc thêm trong sách, do đó mình không bao giờ bỏ qua các phần này. Một điều nữa là, những ngày gần thi mình không học nhiều và luôn để đầu óc thoải mái. Khi đầu óc đỡ căng thẳng, vào phòng thi sẽ tỉnh táo hơn, hiệu quả làm bài cũng cao hơn”.
Còn Hoàng Minh Phương, khoa Kinh tế đối ngoại – ĐH Ngoại thương cho hay, cả ngày học ở trường, buổi tối mình dành từ 1,5 đến 2 tiếng để làm đề trắc nghiệm. Ví dụ, mình đặt ra lịch hôm nay dành 1 tiếng rưỡi để làm đề Vật lý và sẽ thực hiện đúng như thế. Nếu làm Lý một chút rồi lại chuyển sang Hóa một chút sẽ không hiệu quả.
Riêng môn tự luận, mình thường dùng thời gian trong ngày nghỉ (chẳng hạn chủ nhật, sáng mình sẽ làm một đề Toán, chiều làm một đề Văn). Đặc biệt, trước khi đi ngủ mình thường đọc lại lời giải đã ghi ra khoảng 30 phút. Nếu có một thời khóa biểu phù hợp không chỉ giúp các bạn đảm bảo sức khỏe mà còn đảm bảo được kế hoạch học tập.
Để ôn tập hiệu quả, sinh viên Phương cho rằng, tâm lý các bạn phải hết sức bình tĩnh và ngay từ thời điểm này hãy lập một thời khóa biểu, thời gian biểu để không phải suy nghĩ hôm nay mình sẽ học gì, học như thế nào. Khi thấy đề khó cũng đừng để tâm trí cuốn vào những câu hỏi đại loại như: Làm thế nào để có thể đạt 9 điểm với đề này mà bỏ những câu dễ, như thế sẽ dễ thất bại.
“Bản thân mình, khi thi thử chỉ được 20 – 21 điểm khối D, thậm chí bài thi Hóa đầu tiên mình chỉ được 4,5 điểm, thấp nhất lớp. Nhưng nhờ kế hoạch ôn tập khoa học, tích lũy điểm từng ngày, đến năm lớp 12 mình đã đạt 9 điểm Hóa
Buổi trưa, mình thường dành khoảng nửa tiếng để ngủ và tối không bao giờ ngủ ít hơn 6 tiếng. Trước khi đi ngủ, mình đọc sách 30 phút. Nên đọc sách trước khi đi ngủ và ngay khi thức dậy (mình dậy lúc 5 giờ 30 sáng) sẽ học rất nhanh.
Gần đến ngày thi nên để đầu óc thư giãn và học ít đi để tư tưởng thoải mái. Đó cũng là yếu tố giúp đạt được kết quả tốt” – Phương tâm sự.
Đồng quan điểm, phạm Quang Đạt, khoa Kinh tế đối ngoại – K53, từng là học sinh chuyên toán Trần Phú, Hải Phòng cho biết, khi đi thi đừng nên đặt ra nhiều áp lực, nếu môn đầu làm không tốt hãy cố gắng các môn sau.
“Vài tháng trước khi thi, các bạn hãy cố tham gia hoạt động, vui chơi với bạn bè, có thể tìm nhóm bạn để chơi vì chơi cùng nhau học hỏi nhau nhiều. Tâm lý trong phòng thi rất quan trọng, vì vậy thời gian cuối hãy cố gắng thoải mái tâm lý, nên đọc cuốn sách nào đó trước khi thi. Nhìn các bạn điểm cao mình thấp mà tự ti là không nên mà hãy cố gắng vượt lên chính mình” – Đạt chia sẻ.
Quý thầy, cô hoặc bạn đọc muốn đóng góp tài liệu cho VTED.vn, vui lòng gửi về: